Bán đảo Bảo Ninh - Đồng Hới Quảng Bình

Bán đảo Bảo Ninh có tổng diện tích 1.630 ha, thì toàn bộ đều là cát trắng, bạc màu. Trước đây, khi chưa có cầu Nhật Lệ, người Bảo Ninh phải dùng thuyền đánh cá nhỏ chở đất từ bên kia bờ sông về phủ trên cát trắng để trồng rau xanh, đắp đường sá, đắp nền nhà…để duy trì cuộc sống. Tuy chỉ cần đứng ở bến đò Mẹ Suốt, chợ Đồng Hới là có thể nhìn rõ mồn một Bảo Ninh, nhưng bởi vì cách trở đò giang, nên vùng đất này đã trở thành “vùng sâu, vùng xa” và là nỗi ám ảnh của những ai khi phải về đây công tác. Vì thế, có một chiếc cầu bắc qua sông Nhật Lệ, dù nhỏ thôi cũng chính là ước mơ ngàn đời của người dân trên bán đảo này. Và đó cũng chính là niềm trăn trở thường trực của lãnh đạo ngành Giao thông & Vận tải và lãnh đạo tỉnh Quảng Bình lúc đó.

Những chiếc cầu bắc qua dòng sông Nhật Lệ

Cách đây 16 năm, vào một ngày hè nắng lửa, cầu Nhật Lệ đã được khởi công trong niềm hân hoan của người dân thị xã Đồng Hới và nhân dân cả tỉnh. Còn đối với người dân Bảo Ninh, niềm vui đó như được nhân lên gấp bội. Trong hơn 8 năm đi vào hoạt động, cầu Nhật Lệ 1 đã làm tròn trọng trách là “cú hích” quan trọng bậc nhất cho Bảo Ninh khởi đầu của hành trình biến cát thành… vàng, cho ngành “công nghiệp không khói” của cả Quảng Bình “cất cánh”. Ngư dân làng biển này vốn quen với sóng biển, với cát trắng, với những chuyến đò ngang chở khách sang sông, từ khi có cầu đã bắt đầu quen dần với những hình thức làm ăn mới mẻ khi có nhiều cơ hội tìm đến nhờ chiếc cầu Nhật Lệ được đưa vào sử dụng.

Trên vùng đất cát bạc màu này,  nhiều công trình mới, hiện đại mọc lên, tô điểm suốt chiều dài, chiều rộng của làng, của xã, làm cho bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc, sáng bừng sức sống mới, đó là Khu Du lịch Sun Spa Resort Mỹ Cảnh của Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Thịnh; đó là Khu Nhà hàng ẩm thực của Công ty Khách sạn Sài Gòn và đó Khu Nghỉ dưỡng Công an tỉnh, Quảng trường Biển…và nhiều công trình tầm cỡ khác.

Trong sự chuyển động và phát triển của Bảo Ninh, của thành phố trẻ đến khó dự đoán đó, các nhà quản lý ở Quảng Bình đã nhận thấy những tiềm năng nổi trội của bán đảo này, vì vậy công tác quy hoạch chi tiết đã được hoàn thiện để phát huy và nâng cao lợi thế của Bảo Ninh. Trong quy hoạch Đồng Hới tầm nhìn đến năm 2030, Công ty Nikken Sekkei của Nhật Bản đã đưa ra phương án Đồng Hới có đến 3 chiếc cầu vượt sông Nhật Lệ đoạn qua thành phố. Đó là tất yếu của sự phát triển khi Đồng Hới tiếp tục vươn mình về phía đông, hướng ra biển. Đó là những chiếc cầu trên 3 trục liên kết đông – tây nối liền các vùng của thành phố với bờ biển phía đông, đông nam, với những trung tâm nghỉ dưỡng, khu đô thị mới đầy tiềm năng với hàng loạt resort ven biển, cây xanh, hồ nước, trung tâm thương mại…sẽ được xây dựng trong tương lai.

Cầu Nhật Lệ 2 tại bán đảo Bảo Ninh

Tháng 2/2010, trong một chuyến vào thăm và làm việc tại Quảng Bình, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã cho phép tỉnh đầu tư xây dựng cầu Nhật Lệ 2.

Nhân nói chuyện về chiếc cầu Nhật Lệ 2 sẽ được bắt qua sông nối phường Phú Hải với vùng đất cát phía nam xã Bảo Ninh, cũng xin nhắc lại một chút về thời điểm Quảng Bình xây dựng Cầu Nhật Lệ 1. Khi nghe tin tỉnh sẽ đầu tư xây dựng cầu bắc qua sông Nhật Lệ, không chỉ các kỹ sư giao thông, mà nhiều người Quảng Bình đang sinh sống trong và ngoài tỉnh cũng mong muốn được đóng góp trí tuệ, ý tưởng mong sao tỉnh nhà sẽ có một chiếc cầu vững chãi, hiện đại. Đã có nhiều ý kiến đề xuất là “một lần làm, một lần khó” vì vậy phải xây cho được một chiếc cầu thật “hoành tráng” ít nhất là phải rộng đủ 4 làn xe… Nhưng “cái khó bó cái khôn”, do nghèo khó, do thiếu vốn đầu tư, nên có người đã đề xuất chỉ nên xây một cây cầu đủ để đi bộ và các phương tiện giao thông nhỏ qua lại, sau này khi có tiền thì sẽ làm “hoành tráng” hơn…Khi đó, do kinh tế – xã hội còn khó khăn, cho nên cái phương án xây một cây cầu “nhỏ nhỏ” tạm thời đã được nhiều ý kiến đồng tình.

Tuy đang theo học lớp cao cấp lý luận chính trị tại Hà Nội, nhưng khi nghe tin có phương án chỉ xây dựng cầu quy mô nhỏ để phục vụ nhu cầu đi lại trước mắt, anh Phạm Quang Hải (hiện nay là Giám đốc Sở Giao thông – Vận tải Quảng Bình) liền lập tức lên tiếng phản đối phương án “tạm thời” này. Khi biết được đồng chí Trần Hoà, Bí thư Tỉnh ủy ra Hà Nội công tác, anh đã đến tìm gặp đồng chí Bí thư để bày tỏ ý kiến phản đối phương án xây cầu nhỏ. Sau khi nghe Hải phân tích những “bất cập” của phương án xây dựng cầu nhỏ do thiếu vốn, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Trần Hoà đã lưu tâm đến phương án do chàng kỹ sư trẻ này đề xuất. Nhờ đó, phương án xây dựng cầu Nhật Lệ với quy mô 2 làn xe, có 2 làn đường đi bộ hai bên đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình lựa chọn…

Và chẳn 10 năm sau khi chiếc cầu Nhật Lệ thứ nhất được khởi công, một chiếc cầu thứ hai với quy mô lớn hơn, hiện đại hơn chiếc cầu thứ nhất lại được khởi công ngay trên dòng sông Nhật Lệ, đoạn phía nam thành phố Đồng Hới. Vào thời điểm hiện tại, dẫu Quảng Bình vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhưng tiềm lực của tỉnh cũng đã có bước tiến vượt bậc so với một thập kỷ trước, hơn nữa trọng trách của cầu Nhật Lệ 2 đã khác nhiều so với cầu Nhật Lệ 1. Không chỉ chia sẻ với cây cầu cũ về giao thông, tạo sự thông suốt, thuận tiện khi đi lại từ đông sang tây và ngược lại, mà Nhật Lệ 2 còn là là biểu tượng của quá trình đổi mới đi lên của Đồng Hới nói riêng, của Quảng Bình nói chung, là điểm nhấn cảnh quan, là “cú hích” quan trọng cho kinh tế biển và ngành du lịch Quảng Bình cất cánh.

Về Du Lịch Quảng Bình

Về du lịch, lượng khách trong nước và quốc tế đến tỉnh này ngày càng tăng cao. Quảng Bình là vùng đất giàu tiềm năng phát triển du lịch vì vừa có rừng, vừa có biển với nhiều di tích văn hóa - lịch sử và cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp như cửa biển Nhật Lệ, Quang Phú, Đèo Ngang, đèo Lý Hòa, bãi Đá Nhảy ... đặc biệt là Di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc Gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Động Phong Nha - một trong những hang động đẹp nhất thế giới đã được nhiều kỷ lục Guinness về hang động.

Tổng số lượt khách du lịch đến Quảng Bình trong 30 năm qua đạt trên 27 triệu lượt người. Trong đó, giai đoạn 1990 - 1999 đạt 586.172 lượt khách, giai đoạn 2000 - 2009 đạt 4.071.198 lượt khách. Đặc biệt giai đoạn 2010 - 2019 đã có sự tăng trưởng vượt bậc, ước đạt gần 22.5 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế ược đạt hơn 931.000 lượt

Chất lượng lưu trú

Nếu năm 1990 chỉ đón 2.820 lượt khách thì đến năm 2019 ước tính tăng lên 986.151 lượt khách. Tính chung trong 30 năm qua, Quảng Bình đã đón gần 13.5 triệu lượt khách lưu trú trong và ngoài nước

Riêng lượt khách quốc tế, tỉnh đã đón 595.886 lượt khách.

Top điểm đến tại Đồng Hới
Tin tức nổi bật
Kinh nghiệm du lịch Đồng Hới
Travel
3 ngày trước

Đang cập nhật.

Kinh nghiệm chọn hải sản tại Đồng Hới
Food
4 ngày trước

Đang cập nhật.