Thông tin chi tiết
Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (VQG PNKB) trực thuộc địa giới hành chính của hai huyện Bố Trạch và Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình với tổng diện tích là 123.326 ha theo Quyết định số 1062/QĐ-TTg ngày 05 tháng 7 năm 2013, trong đó phân khu bảo vệ nghiêm ngặt là 100.296 ha, phân khu phục hồi sinh thái là 19.619 ha và phân khu hành chính dịch vụ là 3.411 ha.
Vườn là một trong hai khu vực đá vôi lớn nhất thế giới. Đây được coi là khu vực sinh thái quan trọng có giá trị toàn cầu nổi bật cần được bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị.
Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng đã được được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới lần thứ nhất với tiêu chí địa chất, địa mạo vào năm 2003 (Trần Tiến Dũng, 2007) và lần thứ hai với tiêu chí hệ sinh thái và đa dạng sinh học vào năm 2015.
Đây được coi là khu du lịch trọng điểm có ý nghĩa quốc gia và quốc tế, cung cấp các dịch vụ du lịch thương mại nhằm góp phần vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh Quảng Bình (Quyết định số 2128/QĐ-TTg ngày 29 tháng 12 năm 2017).
Nơi đây cũng hội tụ nhiều sắc tộc với các nền văn hóa đặc sắc và đa dạng của dân cư sống trong vùng đệm. Trong tương lai, vườn sẽ trở thành nơi bảo tồn đa dạng sinh học, phát huy giá trị di sản thiên nhiên, và là vùng DLST hấp dẫn bậc nhất khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (Quyết định số 2128/QĐ-TTg ngày 29 tháng 12 năm 2017).
Hệ thống hang động tại Vườn Quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng
Vườn Quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng là di sản thế giới có tài nguyên thiên nhiên phong phú và đa dạng với nhiều cảnh quan đẹp, thu hút khách du lịch bởi hệ thống hang động huyền bí và hấp dẫn.
Tổng chiều dài hang động tại Vườn Quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng đã được ghi nhận là trên 130 km với gần 50 hang động và được chia thành ba hệ thống hang Vòm, hang Phong Nha và hang Rục Mòn.
Hệ thống hang Vòm được bắt nguồn từ hang Rục Kà Roòng nằm ở độ cao khoảng 360 m so với mực nước biển. Tổng chiều dài hệ thống hang Vòm là 31.277 m (Trần Ngọc Hùng và cộng sự, 2003).
Theo báo cáo của Ban quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng2009, 2015 - 2017) đoàn thám hiểm hang động Hoàng gia Anh đã tiến hành khảo sát, phát hiện thêm 20 hang động tại Vườn Quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng, trong đó có hang Sơn Đòong bước đầu đã khảo sát được chiều dài của hang là 6.500 m, cao 150 m, rộng 140 m, các nhà thám hiểm nhận định rằng đây có thể là hang động lớn và rộng nhất thế giới tại thời điểm hiện nay.
Sông ngầm hang Vòm chảy về phía hạ lưu lúc thì ẩn mình trong các hang, lúc lại xuất hiện trên những đoạn thung lũng hẹp, sâu và cuối cùng đổ về sông Chày ở cửa hang Vòm.
Hệ thống hang Phong Nha bắt nguồn từ phía Nam của khối núi đá vôi Kẻ Bàng. Cửa chính của hệ thống hang này là hang Khe Ry và hang Én nằm ở độ cao trên mực nước biển khoảng 300 m.
Tổng chiều dài hệ thống hang Phong Nha là 44.391 m. Hệ thống hang Rục Mòn nằm trên địa phận huyện Minh Hoá và có quy mô nhỏ hơn so với hai hệ thống hang trên, bao gồm 14 hang động. Một số hang động có quy mô như hang Rục Mòn có chiều dài 2.863 m, độ sâu 49 m; hang Tiên với chiều dài 2.500 m, độ sâu 51 m và còn có rất nhiều hang chưa được khảo sát (Trần Ngọc Hùng, 2003)
Tài nguyên động thực vật tại Vườn Quốc Gia Phong Nha Kẻ Bàng
Vườn Quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng đặc trưng với kiểu rừng kín cây lá rộng thường xanh ẩm nhiệt đới trên núi đá vôi. Theo số liệu thống kê của Ban quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng năm 2010, hệ thực vật tại VQG PNKB phong phú và đa dạng với sự có mặt của 193 họ thực vật, 906 chi và 2.651 loài thực vật thuộc các ngành khuyết lá thông, thạch tùng, cỏ tháp bút, dương xỉ, thông và ngọc lan.
Một số các loài cây gỗ quý kích thước lớn như Bách xanh, Hoàng đàn giả, Pơmu, Chò đãi, Chò nước, Lát hoa, Lim xanh, Trầm hương, Sến mật, Nghiến, Song mật, và một số loài cây quý hiếm khác (Ban quản lý VQG PNKB, 2010).
Hệ động vật với 42 bộ, 142 họ và 7.355 loài thuộc lớp thú, chim, bò sát, lưỡng thê và cá nước ngọt. Số loài động vật đặc hữu ở khu vực có tổng số 41 loài với 40 loài đặc hữu của dãy Trường Sơn và 30 loài là đặc hữu của Việt Nam.
Tổng số loài động vật quý hiếm là 127 loài, trong đó có 81 loài có tên trong Nghị định 32-2006/NĐ-CP, 91 loài có tên trong Sách Đỏ Việt Nam năm 2007.
Một số loài thú quý hiếm phải kể đến như Chồn dơi, Cu li lớn, Cu li nhỏ, Khỉ mặt đỏ, Khỉ mốc, Khỉ đuôi lợn, Voọc ngũ sắc, Voọc hà tĩnh, Vượn đen, Vượn đen má trắng, Beo lửa, Báo gấm, Cheo leo nam dương, Bò tót, Gấu chó, Sóc bay lớn và đặc biệt phải kể đến dấu hiện của sự xuất hiện hai loài Sao la và Mang lớn; các khu hệ bò sát - lưỡng cư, cá, chim có nhiều loài quý hiếm rất có giá trị như Rắn, Tắc kè, Công, Trĩ sao, Gà lôi, Hồng hoàng (Ban quản lý VQG PNKB, 2010).
Tham khảo đặc sản địa phương


0/5 (0 nhận xét)
Chưa có nhận xét nào cho sản phẩm này